Đồng chí Phạm Đại Dương (bên trái) điều hành phiên thảo luận Tổ
Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo tại Tổ đại biểu số 9, gồm đoàn ĐBQH các tỉnh: Phú Yên, Quảng Ninh, Quảng Trị, Bến Tre. Theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên làm Tổ trưởng Tổ đại biểu số 9 điều hành phiên thảo luận. Các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các ĐBQH của Tổ đại biểu số 9 tham gia thảo luận.
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, đồng chí Phạm Đại Dương gợi ý, nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm để ĐBQH trong tổ tập trung thảo luận, đảm bảo theo chương trình kỳ họp.
Tham gia phát biểu thảo luận, các vị ĐBQH bảy tỏ sự vui mừng, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương trong thời gian qua; thống nhất cao với Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đồng thời, phân tích, làm rõ thêm một số kết quả nổi bật trong thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu tăng trưởng năm 2023. Bên cạnh những kết quả đạt được, ĐBQH cũng nêu ra những hạn chế và đề xuất một số giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian đến.
Phát biểu thảo luận tại Tổ, đồng chí Phạm Đại Dương thể hiện sự đồng tình với báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; kết quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 và kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; đồng thời, đồng tình với các ý kiến phát biểu, đánh giá, phân tích của các vị ĐBQH; các ý kiến đã phân tích, làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề từ thực tiễn địa phương, ngành, lĩnh vực phục trách để làm rõ hơn kết quả đạt được, những vấn đề còn bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và đề xuất nhiều giải pháp phù hợp, khả thi trong thời gian đến; kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm xây dựng chính sách và đầu tư nguồn lực cho các địa phương trong phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh để tạo điều kiện, đòn bẩy, sức bật mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, đất nước trong tình hình mới…
Thùy Lâm
Ý kiến bạn đọc