Đồng chủ trì cuộc họp còn có các đồng chí Lê Tấn Hổ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Tham dự có đồng chí Đinh Thị Thu Thanh - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Sự - Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công.
Dự án Cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên có chiều dài 90,12km, tổng mức đầu tư 20.848 tỷ đồng. Theo Sở Giao thông Vận tải, đến nay, các địa phương có dự án đi qua trên địa bàn tỉnh đã bàn giao mặt bằng cho các chủ đầu tư được 84,81km, đạt 94,11% (tăng 5,67km so với cùng kỳtháng trước), cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các vị trí đường găng quyết định tiến độ Dự án đã được các sở, ngành của tỉnh phối hợp với địa phương tháo gỡ khó khăn để tổ chức thi công đại trà được 65,58km (đạt 77,64% phần mặt bằng đã bàn giao và đạt 73,06% toàn bộ Dự án).
Về di dời hạ tầng kỹ thuật, hiện các địa phương đang tổ chức phê duyệt hồ sơ thiết kế để tổ chức thực hiện phương án di dời. Riêng huyện Tây Hòa đã thi công hoàn thành di dời đường dây 22kV, 0,4kV; huyện Tuy An và huyện Phú Hòa đang tổ chức lựa chọn nhà thầu di dời. Về xây dựng khu tái định cư phục vụ dự án, hiện có 3/12 khu tái định cư thuộc huyện Tây Hòa, Phú Hòa đạt tiến độ hoàn thành trong tháng 6/2023; còn lại 9/12 khu, dự kiến không đáp ứng được tiến độ này.
Đối với công tác giải ngân kế hoạch vốn, các địa phương đã giải ngân 288,661 tỷ đồng, đạt 21,92% kế hoạch vốn năm 2023. Lũy kế giải ngân đạt 682,16 tỷ đồng, đạt 35,01%. Hiện các đơn vị thi công huy động 62 mũi thi công để thực hiện các gói thầu thuộc Dự án Cao tốc Bắc- Nam.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn ghi nhận sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương trong việc triển khi thực hiện Dự án Cao tốc Bắc - Nam trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, trong giai đoạn đầu, Phú Yên là một trong những địa phương chậm trong giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án. Nhưng đến nay, tỉnh đang nằm trong tốp 4 địa phương giải phóng mặt bằng tốt nhất cho dự án này. Hiện khối lượng mặt bằng cần giải phóng còn không nhiều, nhưng lại khá phức tạp, tập trung vào phần đất ở, hạ tầng kỹ thuật và các khu tái định cư.
Đồng chí Tạ Anh Tuấn đề nghị trong thời gian tới, các sở ngành, địa phương và các chủ đầu tư cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như đẩy nhanh tiến độ triển khai di dời hạ tầng kỹ thuật; xây dựng các khu tái định cư; triển khai song song các thủ tục định giá, tổ chức bốc thăm, phân lô, lên phương án tạm cư cho người dân. Các địa phương cần xác định, cam kết thời gian hoàn thành và bàn giao khu tái định cư để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Đối với các thủ tục liên quan khi triển khai thực hiện Dự án, các sở, ngành, địa phương không được bỏ qua các thủ tục hành chính, nhưng phải chuẩn bị sẵn các bước, thủ tục cần thiết để sẵn sàng triển khai các bước tiếp theo. Các cơ quan chức năng cần kiên quyết kiểm tra, xử lý nghiêm nếu có tình trạng các cá nhân đầu cơ đất, đẩy giá vật liệu xây dựng cao bất thường để trục lợi và làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của Dự án.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, các chủ đầu tư, nhà thầu cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc giải phóng mặt bằng; triển khai thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình và ít làm ảnh hưởng nhất đến đời sống và sự an toàn của Nhân dân. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường công tác dân vận, thông tin, tuyên truyền để người dân đồng tình, ủng hộ Dự án.
Ngọc Mỹ
Ý kiến bạn đọc