1. Đặc điểm tình hình
Đảng bộ Trường Đại học Phú Yên có 9 chi bộ trực thuộc với 150 đảng viên (dự bị: 31 đồng chí), trong đó đảng viên dưới 40 tuổi là 83 đồng chí. Hiện nay, có 25 đảng viên là sinh viên đang tham gia sinh hoạt ở 4/9 chi bộ (Chi bộ Xã hội - Ngoại ngữ: 5, Khoa học Tự nhiên - Kỹ thuật công nghệ: 3, Giáo dục Mầm non - Thể chất - Nghệ thuật: 3, Sư phạm - Lý luận chính trị: 14).
Thực hiện Kết luận số 18-KL/TW, ngày 22/9/2017 của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư khóa X về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tình hình mới, trong thời gian qua, Đảng ủy Trường Đại học Phú Yên đã tổ chức quán triệt, thực hiện các chỉ thị, kết luận, kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm trong toàn Đảng bộ. Trong đó, xác định chất lượng tham gia thảo luận, phát biểu ý kiến xây dựng chi bộ, thực hiện công tác tự phê bình và phê bình của đảng viên, nhất là đảng viên trẻ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Vì vậy, việc giáo dục, định hướng, khuyến khích đảng viên trẻ phát biểu ý kiến trong sinh hoạt chi bộ là việc làm hết sức cần thiết.
Xuất phát từ yêu cầu đó, Đảng ủy Trường Đại học Phú Yên báo cáo một số nhiệm vụ, giải pháp “Nâng cao trách nhiệm của đảng viên trẻ tham gia thảo luận, phát biểu ý kiến trong sinh hoạt chi bộ, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”.
2. Thực trạng của việc đảng viên trẻ, đảng viên là sinh viên tham gia ý kiến phát biểu, thảo luận trong sinh hoạt chi bộ
Trong thời gian qua, Đảng ủy Trường Đại học Phú Yên thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các cấp ủy, chi bộ trực thuộc nghiên cứu, đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; nội dung, chương trình cho buổi sinh hoạt chi bộ đảm bảo theo Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương.
Bên cạnh việc chuẩn bị nội dung, chương trình cho buổi sinh hoạt chi bộ theo quy định, các cấp ủy, chi bộ trực thuộc đã thực hiện việc gửi nội dung sinh hoạt chi bộ, dự thảo nghị quyết của buổi sinh hoạt chi bộ đến các đồng chí đảng viên chi bộ nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến đóng góp; trong các buổi sinh hoạt, các cấp ủy, chi bộ luôn chấp hành đúng nguyên tắc sinh hoạt đảng, dành thời gian thỏa đáng cho phần thảo luận, có những gợi mở, khuyến khích để các đảng viên, nhất là đảng viên trẻ mạnh dạn trình bày ý kiến thảo luận, tham gia đóng góp, thể hiện chính kiến của mình; phân công một đồng chí trong chi ủy (hoặc bí thư, phó bí thư) theo dõi tình hình tham gia sinh hoạt chi bộ và phát biểu ý kiến đóng góp xây dựng chi bộ theo tinh thần Chỉ thị số 08-CT/TU, xem đây là một trong những tiêu chí quan trọng để làm cơ sở đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên hằng năm; chú trọng phân công nhiệm vụ cho đảng viên, nhất là đảng viên trẻ và theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện.
Qua đó, trong các kỳ sinh hoạt chi bộ, đảng viên chi bộ đã nêu cao tinh thần trách nhiệm góp ý kiến xây dựng chi bộ, bình quân mỗi đảng viên có 18 lượt ý kiến phát biểu/năm, trong đó đảng viên trẻ có 12 lượt ý kiến phát biểu/năm. Các ý kiến phát biểu thường tập trung làm rõ những ưu điểm, kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ của chi bộ, đảng viên để tiếp tục phát huy, chỉ ra những điểm hạn chế để sửa chữa khắc phục, rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân. Trong quá trình tự phê bình và phê bình đã khắc phục khuyết điểm trên từng công việc và lĩnh vực mà mỗi cán bộ, đảng viên được chi bộ giao; trong sinh hoạt luôn phát huy dân chủ, cởi mở đã khích lệ đảng viên trẻ trong chi bộ phát huy được tính chủ động, mạnh dạn đóng góp ý kiến xây dựng, phê bình sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, cũng như thực hiện phê bình đồng chí, đồng nghiệp một cách rất chân thành, thẳng thắn, giúp nhau cùng tiến bộ, hoàn thành thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra. Từ đó, ý thức tham gia xây dựng chi bộ của đảng viên, nhất là đảng viên trẻ được nâng lên, tính chiến đấu và bản lĩnh chính trị của mỗi đảng viên trẻ được nâng cao, khắc phục được tình trạng e dè, nể nang, né tránh, ngại va chạm. Đảng viên đã nêu cao tính tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao, xây dựng được sự đoàn kết thống nhất trong chi bộ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận và đánh giá thực chất; việc sinh hoạt chi bộ của đảng viên trẻ, đảng viên là sinh viên vẫn còn một số hạn chế, cần khắc phục như: Một số đảng viên trẻ tham gia thảo luận, phát biểu ý kiến trong sinh hoạt chi bộ ít sôi nổi, còn thụ động đợi chủ trì mời mới tham gia ý kiến; số đông đảng viên trẻ còn hạn chế, tinh thần tự phê bình và phê bình chưa cao; một số đảng viên là sinh viên còn có biểu hiện rụt rè, sợ bị cho là “ngựa non háu đá”, ngại đối diện với các đảng viên là thầy/cô của mình; vẫn còn tâm lý ngại va chạm với đảng viên khác, nhất là đối với đảng viên là thầy/cô, là cán bộ lãnh đạo Trường, cán bộ quản lý các đơn vị của Trường, đảng viên lớn tuổi. Do vậy, khi dự sinh hoạt thường kỳ của chi bộ, họp kiểm điểm đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên hằng năm, đại hội chi bộ, đảng bộ; đảng viên trẻ thường chọn cách im lặng, nếu người chủ trì cuộc họp có mời hay chỉ định đích danh thì cũng phát biểu chung chung, chỉ nêu ưu điểm mà không dám chỉ ra hạn chế, khuyết điểm; không dám nói thẳng, nói thật những điều mình biết, đã nhận thức và phân định được.
3. Một số giải pháp
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chất lượng đảng viên là một nhiệm vụ của tất cả đảng viên, không phân biệt đảng viên là viên chức hay sinh viên, lớn tuổi hay trẻ tuổi… Muốn vậy, cần phát huy trách nhiệm, tính tích cực, chủ động, tự giác của các đảng viên trẻ trong việc đóng góp ý kiến, tham gia thảo luận trong sinh hoạt, qua đó tạo không khí dân chủ, bình đẳng trong sinh hoạt Đảng. Để thực hiện được điều đó, xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn, Đảng ủy Trường Đại học Phú Yên đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy, chi bộ trực thuộc quán triệt thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt chi bộ, cấp ủy, sinh hoạt đảng bộ theo quy định Điều lệ Đảng; Kết luận số 18-KL/TW, ngày 22/9/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư khóa X “về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” trong tình hình mới; Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 25/3/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Chỉ thị số 08-CT/TW, ngày 31/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Chuẩn bị nội dung, chương trình cho buổi sinh hoạt chi bộ đảm bảo theo Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương chu đáo, gửi cho đảng viên trước mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ nghiên cứu kỹ để tham gia thảo luận, phát biểu ý kiến chất lượng. Thường xuyên giáo dục, định hướng, khuyến khích đảng viên trẻ mạnh dạn tham gia ý kiến xây dựng chi bộ.
Thứ hai, cấp ủy chi bộ, cán bộ lãnh đạo, quản lý của Nhà trường nói riêng và ở những tổ chức đảng nói chung, có đảng viên trẻ tham gia sinh hoạt cần mở rộng và phát huy dân chủ thực sự, không chỉ bằng lời nói mà phải bằng việc làm cụ thể, nêu cao tính gương mẫu, tạo không khí dân chủ trong sinh hoạt chi bộ, đảng bộ. Như vậy sẽ xóa được tâm lý sợ sệt, e dè của đảng viên trẻ trong phê bình, thảo luận, đóng góp ý kiến trong sinh hoạt chi bộ. Cần thể hiện thái độ đúng đắn, cầu thị khi tiếp thu ý kiến của đảng viên trẻ; nếu có ý kiến chưa đúng, chưa chuẩn thì cần giải thích thấu đáo, để động viên đảng viên trẻ thể hiện chính kiến; đồng thời định hướng nội dung phát biểu cần đi vào cụ thể, thiết thực. Nếu là ý kiến đúng, phải nghiêm túc tiếp thu và có kế hoạch điều chỉnh, khắc phục và trọng thị những ý kiến phát biểu xây dựng.
Thứ ba, cấp ủy chi bộ cần thấu triệt quan điểm/quan niệm về “đoàn kết nội bộ”. Đoàn kết không đồng nghĩa với sự bằng lòng, im lặng, không có ý kiến hoặc ý kiến đồng thuận. Đoàn kết không đồng nghĩa với sự không phản biện, không có những ý kiến trái chiều. Đoàn kết phải được hiểu là sự thống nhất trong đấu tranh, đấu tranh vì mục tiêu/mục đích xây dựng; đoàn kết là sự đấu tranh để bảo vệ cương lĩnh và Điều lệ Đảng, đấu tranh với mục tiêu xây dựng Đảng vững mạnh và trong sạch. Vì vậy, trong sinh hoạt chi bộ, không nên định kiến, chủ quan đưa ra những nhận xét chỉ trích gay gắt, thậm chí có hành động thiếu thiện chí với đảng viên/đảng viên trẻ có ý kiến thẳng thắn, dám nói sự thật. Phải luôn coi trọng sự đóng góp ý kiến của các đảng viên trẻ, đảng viên mới. Bởi, thực tế ở một số chi bộ khi đảng viên trẻ tích cực đề xuất ý kiến nhưng ý kiến tâm huyết đó không được quan tâm xem xét, thậm chí bị bác bỏ, đã dẫn đến việc đảng viên không còn hứng thú/quan tâm/không muốn tham gia phát biểu.
Thứ tư, cấp ủy chi bộ cần tiếp tục nghiên cứu những giải pháp/cách thức tích cực để phát huy tinh thần phê và tự phê của mỗi đảng viên cũng như nâng cao nhận thức về trách nhiệm cống hiến và xây dựng Đảng của mỗi đảng viên/đảng viên trẻ. Xác định đúng vị thế sẽ giúp cho đảng viên phát huy trách nhiệm trong xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan, đơn vị. Từ đó, đảng viên thấy được tầm quan trọng cũng như nguyên tắc, phương pháp đóng góp ý kiến, vượt qua những trở ngại về thứ bậc, chức vụ, tình cảm, khắc phục tâm lý e dè, né tránh, ngại va chạm khi phê bình, góp ý cho người khác, cho Đảng.
Thứ năm, cấp ủy chi bộ phải thường nhắc lại quy định về yêu cầu trong sinh hoạt chi bộ, các đảng viên phải tham gia thảo luận, phát biểu ý kiến. Khi sinh hoạt chi bộ, cấp ủy chi bộ báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng trước; xác định nhiệm vụ của tháng tới; sau đó yêu cầu đảng viên phát biểu đóng góp ý kiến, trước hết ưu tiên những đảng viên trẻ, ngại nói, ngại phát biểu trước tập thể chi bộ. Cách làm đó sẽ hình thành thói quen, nền nếp tự giác phát biểu của đảng viên trong sinh hoạt Đảng. Qua đó tránh được sự ỷ lại, hoặc tâm lý cho rằng đảng viên lớn tuổi phát biểu trước đã nói rồi, không có gì để nói thêm, nên im lặng cho xong. Thường xuyên động viên, khuyến khích, biểu dương những đảng viên trẻ tích cực tham gia phát biểu ý kiến, mạnh dạn trong đấu tranh tự phê bình và phê bình; bảo vệ người phê bình đúng đắn, chân thành.
Thứ sáu, cần tăng cường công tác bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho đảng viên trẻ/đảng viên mới, bảo đảm thực chất. Điều cần thiết là phải đổi mới nội dung bồi dưỡng một cách thiết thực; Đổi mới quan trọng của Đảng bộ trường là trước đây đảng viên là sinh viên ở các Khoa đều sinh hoạt ở chi bộ Công tác sinh viên (Phòng Quản lý sinh viên thuộc Trường), nhưng từ năm 2020 đến nay sinh viên là Đảng viên đưa về sinh hoạt cùng với Đảng viên là giảng viên, viên chức ở các Khoa. Vì vậy, qua các buổi sinh hoạt, đảng viên là sinh viên không chỉ bồi dưỡng những lí luận chung mà còn được chú trọng bồi dưỡng các kỹ năng về sinh hoạt đảng cho đảng viên trẻ/đảng viên mới; trong đó có kỹ năng nắm bắt những vấn đề về chuyên môn, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng phát biểu trước tập thể, phương pháp tự phê bình và phê bình. Được trang bị những kỹ năng cần thiết như vậy sẽ giúp đảng viên nói chung và đảng viên trẻ tự tin trong thảo luận, tự phê bình và phê bình; đóng góp ý kiến và thể hiện chính kiến trong sinh hoạt Đảng, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Minh Duyên
Ý kiến bạn đọc