Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên dự Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Thứ hai - 20/05/2024 05:01 99 0
Sáng 20/5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể tại hội trường Diên Hồng của Nhà Quốc hội (Hà Nội). Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội điều hành hoạt động Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Chủ tọa kỳ họp.

Dự phiên khai mạc, có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nông Đức Mạnh, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, Nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các vị đại biểu khách quý, các đại sứ, đại diện, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội, các vị ĐBQH tham dự phiên khai mạc.
Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên do đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn tham dự kỳ họp. 
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV dự kiến họp tập trung tại Nhà Quốc hội trong 26,5 ngày (đợt 1 từ ngày 20/5 đến sáng ngày 08/6/2024 và đợt 2 từ ngày 17/6 đến sáng ngày 28/6/2024). Trong đó, một số phiên họp của Quốc hội được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia, bao gồm: phiên khai mạc, phiên bế mạc; 02 ngày thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024…; 01 ngày thảo luận về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023; 2,5 ngày dành để chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ngoài ra, sẽ có 14 phiên thảo luận ở hội trường liên quan đến công tác lập pháp được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên sóng Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Chương trình kỳ họp sau khi được Quốc hội thông qua tại phiên trù bị sẽ được thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri theo dõi.
Theo dự kiến nội dung, kỳ họp thứ 7 tiếp tục là kỳ họp với khối lượng công việc rất lớn, đặc biệt là công tác lập pháp. Dự kiến tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) (theo quy trình tại một kỳ họp).
Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua 3 nghị quyết: Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

 

image005

Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên tham dự kỳ họp thứ 7

Cùng với đó, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 11 dự án Luật, bao gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025; tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”… Quốc hội cũng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cho ý kiến về Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065... Cũng tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ. Ngoài công tác lập pháp, giám sát, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự theo thẩm quyền.
Để chuẩn bị cho kỳ họp này, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên đã phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri trước kỳ họp tại 09 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, với 1.290 cử tri tham dự, có hơn 80 lượt cử tri phát biểu ý kiến; phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề đối tượng công nhân, viên chức, người lao động; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên tổ chức tiếp xúc cử tri là lãnh đạo ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh; lấy ý kiến, kiến nghị bằng văn bản đối với các sở, ngành của tỉnh. Qua đó, Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có văn bản gửi Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ngành của tỉnh lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để làm tư liệu phục vụ các ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận, góp ý, đảm bảo tính thực tiễn, khả thi khi Nghị quyết được thông qua.
Với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri, sự chủ động, tích cực nghiên cứu kỹ lưỡng các nội dung trình kỳ họp, ĐBQH tỉnh sẽ đóng góp vào những quyết sách quan trọng, góp phần hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời gian đến.

Thùy Lâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết gì về Đảng ủy Khối cơ quan, doanh nghiệp ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập59
  • Hôm nay9,409
  • Tháng hiện tại181,152
  • Tổng lượt truy cập1,074,042
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây