Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong Đảng bộ Khối cơ quan, doanh nghiệp tỉnh Phú Yên hiện nay

Thứ tư - 28/02/2024 23:50 292 0
Đảng bộ Khối cơ quan, doanh nghiệp tỉnh, hiện nay có 72 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc (45 đảng bộ cơ sở, trong đó có 06 đảng bộ bộ phận trực thuộc, 267 chi bộ trực thuộc; 27 chi bộ cơ sở), với 4.345 đảng viên; các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng ủy Khối hoạt động ở nhiều loại hình khác nhau (10 TCCSĐ loại hình đơn vị sự nghiệp, 51 TCCSĐ loại hình cơ quan hành chính và 10 TCCSĐ loại hình doanh nghiệp và 01 TCCSĐ đặc thù).
z5203153550140 ce8985cc1426feaf2b3106357692c14a

Ban Thường vụ Đảng ủy Khối khen thưởng các chi, đảng bộ cơ sở hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023

1. Đặt vấn đề
Chi bộ là “nền móng”, “gốc rễ” của Đảng, hạt nhân chính trị của Đảng ở cơ sở. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Đảng mạnh là do chi bộ tốt”,“Chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt”, “Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy”. Chi bộ có vị trí, vai trò rất quan trọng, là tế bảo của Đảng, là hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở; các chi bộ muốn trở thành chi bộ tốt, thì nhất thiết của thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt chi bộ; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là nhiệm vụ quan trọng, là một nhân tố quyết định vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Sinh hoạt chi bộ là hoạt  động của toàn thể đảng viên trong chi bộ, diễn ra tại chi bộ định kỳ hằng tháng hoặc đột xuất, nhằm giáo dục, rèn luyện nâng cao trình độ, bản lĩnh, trí tuệ, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cho đội ngũ đảng viên; bàn, thảo luận và quyết định các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ, đảng bộ.
Sinh hoạt chuyên đề trong chi bộ là một hình thức sinh hoạt chi bộ theo chiều sâu; căn cứ tình hình thực tiễn chi ủy hoặc bí thư chi bộ (nơi không có chi ủy) lựa chọn chuyên đề, phân công đảng viên trong chi bộ chuẩn bị báo cáo chuyên đề, định hướng các đảng viên trong chi bộ nghiên cứu, thảo luận, phân tích làm rõ những nội dung liên quan đến chuyên đề, sau đó chi bộ ra nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề có vai trò, tác dụng to lớn đối với việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Do vậy, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối cơ quan, doanh nghiệp tỉnh Phú Yên, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
2. Kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc
2.1. Những kết quả đạt được
Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã luôn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong Đảng bộ Khối; kịp thời quán triệt, triển khai các văn bản([1]) chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; đồng thời ban hành các văn bản([2]) lãnh đạo triển khai thực hiện, nhất là việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung, Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Ban hành Hướng dẫn về khung tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ; Quyết định thành lập 05 Tổ công tác của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối dự sinh hoạt chi bộ ở cơ sở; đồng thời triển khai thực hiện([3]) tốt mô hình “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt; chỉ đạo các cơ quan tham mưu giúp việc Đảng ủy Khối chuẩn bị nội dung, điều kiện phối hợp với Đảng ủy Trường Chính trị tỉnh, Đảng ủy Trường Đại học Phú Yên tổ chức hội thảo khoa học “vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chi bộ tốt – Những vấn đề đặt ra về xây dựng chi bộ 04 tốt trong Đảng bộ Khối giai đoạn hiện nay” (dự kiến tổ chức vào tháng 6/2024).
Nhằm nâng cao chất lượng và nắm tình hình sinh hoạt chi bộ ở cơ sở, đã ban hành Kế hoạch số 100-KH/ĐUK, ngày 31/3/2023 về tổ chức đợt cao  điểm dự sinh hoạt chi bộ ở cơ sở. Qua dự,([4]) theo dõi sinh hoạt chi bộ ở cơ sở, các cấp ủy, chi bộ đã chú trọng duy trì nền nếp chế độ sinh hoạt cấp uỷ, chi bộ theo quy định của Điều lệ Đảng; có sự quan tâm, lựa chọn những nội dung thời sự có liên quan, sát thực tiễn để phổ biến; kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng đảng viên; quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ, gắn với trách nhiệm của từng đảng viên, chỉ rõ những việc làm được, chưa làm được và đề ra biện pháp thực hiện tháng tiếp theo. Trong sinh hoạt chi bộ đã phát huy dân chủ, nhất là thảo luận quyết nghị những vấn đề trọng tâm, đã tạo nên không sinh hoạt cởi mở, dân chủ. Nội dung sinh hoạt chi bộ được chi ủy chuẩn bị kỹ, gắn việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ với việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII)...
Tổ chức sinh hoạt chuyên đề trong chi bộ được chú trọng (nhiều chi bộ tổ chức đạt 3 – 4 kỳ/năm); các cấp ủy, chi bộ quan tâm, chỉ đạo triển khai tổ chức sinh hoạt chuyên đề; xây dựng kế hoạch và phân công đảng viên xây dựng chuyên đề; dự thảo chuyên đề được chi ủy thông qua và gửi trước cho đảng viên trước khi tổ chức sinh hoạt. Nội dung chuyên đề tập trung vào thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng, hoặc những vấn đề nổi cộm đảng viên quan tâm; việc học tập và làm theo tư tưởng, tác phong, đạo đức Hồ Chí Minh…
Qua triển khai thực hiện, các cấp ủy, đội ngũ đảng viên đã nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của chi bộ, và việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, góp phần giáo dục, rèn luyện và quản lý đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo là hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…
2.2. Những khó khăn, vướng mắc và những vấn đề đặt ra trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong Đảng bộ Khối hiện nay
Bên cạnh những ưu điểm cũng còn những hạn chế như: Một số chi bộ chưa khẳng định rõ nét vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở; chưa thực sự quan tâm, chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm của chi bộ; chuẩn bị nội dung sinh hoạt chi bộ chưa linh hoạt, chưa khoa học; phương thức lãnh đạo, điều hành, hiệu quả hoạt động của một số cấp ủy, chi bộ còn thấp; nội dung sinh hoạt chi bộ còn đơn điệu... Sinh hoạt chi bộ chưa thực sự trở thành nơi phát huy trí tuệ của đảng viên; chất lượng sinh hoạt chi bộ, tính chiến đấu của đảng viên ở một số chi bộ chưa cao; có đảng viên dự sinh hoạt chi bộ không tham gia phát biểu ý kiến nhiều kỳ trong năm. Một số chi bộ còn lúng túng trong việc tổ chức sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề.
Những vấn đề đặt ra hiện nay
1. Một số chi bộ vẫn còn lẫn lộn giữa sinh hoạt đảng với triển khai, đánh giá thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; có nơi còn đồng nhất giữa nội dung họp chi bộ với họp cơ quan, nên chưa chú trọng đến phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của người đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.
2. Việc phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ có nơi thực hiện chưa tốt; có đồng chí chủ trì chưa nắm chắc quy trình thực hiện buổi sinh hoạt, dẫn đến điều hành chưa linh hoạt, chưa khoa học, chưa gợi mở, định hướng những vấn đề cần thảo luận, dẫn đến đảng viên khó tham gia phát biểu ý kiến; có nơi chỉ có ý kiến của đồng chí lãnh đạo cơ quan và các đồng chí trong chi ủy, đảng viên không giữ chức vụ lãnh đạo, nhất là đảng viên trẻ thường chỉ lắng nghe, nhất trí theo ý kiến của chủ trì cuộc họp.
3. Việc ghi biên bản, tiếp thu ý kiến tham gia thảo luận có nơi thực hiện chưa đầy đủ; thực hiện đánh giá chất lượng một buổi sinh hoạt bộ còn lúng túng, chưa thực chất.
4. Việc lựa chọn chuyên đề sinh hoạt có nơi chưa sát với chức năng, nhiệm vụ của chi bộ; phân công chuẩn bị, thực hiện sinh hoạt chuyên đề còn lúng túng; chưa đầu tư nhiều thời gian để tổ chức một buổi sinh hoạt chi bộ chuyên đề.
5. Việc ban hành nghị quyết hoặc kết luận buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề có nơi thực hiện chưa đầy đủ, dẫn đến việc triển khai thực hiện nghị quyết chất lượng chưa cao.
6. Tình trạng “không động chạm”, “muốn yên thân” vẫn còn ở một số ít đảng viên, dẫn đến tính chiến đấu trong sinh hoạt chưa được phát huy, đảng viên không quan tâm, không nêu ý kiến của cá nhân để xây dựng chi bộ.
* Nguyên nhân: (1) Một số cấp ủy, và đảng viên nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề; (2) Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên đối với các chi bộ trong việc tổ chức sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề chưa kịp thời (do số lượng chi bộ quá nhiều); (3) Một số cấp ủy cơ sở chưa kịp nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, dẫn đến vẫn còn đơn thư, khiếu nại tố cáo nặc danh; (4) Một số chi bộ đồng chí bí thư chi bộ là cấp phó, nên còn phụ thuộc vào cấp trưởng, thiếu tự tin trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; (5) Năng lực điều hành của một số đồng chí bí thư chi bộ còn hạn chế; chưa đổi mới, còn lúng túng trong công tác chuẩn bị nội dung sinh hoạt, kết luận các vấn đề trong sinh hoạt chi bộ chưa cụ thể, do đó tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt chưa được phát huy; trong sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề có nơi thực hiện chưa đầy đủ theo hướng dẫn của Trung ương.
3. Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong Đảng bộ Khối cơ quan, doanh nghiệp tỉnh Phú Yên hiện nay
Xuất phát từ tình hình thực tế, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối xác định mục tiêu:
(1) Tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nâng cao chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng; 100% cấp ủy, tổ chức đảng xây dựng quy chế làm việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo quy định và thực hiện quy chế đã đề ra;
(2) 100% cấp ủy thực hiện nghiêm việc tổ chức sinh hoạt cấp ủy; 100% chi bộ thực hiện nghiêm việc tổ chức sinh hoạt chi bộ thường kỳ theo quy định, sinh hoạt chuyên đề mỗi quý ít nhất 01 lần.

Đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong Đảng bộ Khối cơ quan, doanh nghiệp tỉnh Phú Yên hiện nay:
1. Trước hết, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy và đội ngũ đảng viên đối với việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề; thực hiện đúng quy định về nền nếp, nguyên tắc sinh hoạt chi bộ.
Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ cấp ủy viên và đảng viên nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của chi bộ, ý nghĩa của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề.
Mỗi cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt chi bộ để đảng viên noi theo.
2. Tiếp tục quán triệt, triển khai, thực hiện tốt các chỉ thị, kết luận, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; nhất là việc triển khai thực hiện Kết luận số 18-KL/TW, ngày 22/9/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục đầy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW; Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 25/3/2019 của Ban Thường  vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
3. Chăm lo xây dựng đội ngũ chi ủy viên, trước hết là bí thư chi bộ phải  có phẩm chất, năng lực, uy tín, trách nhiệm, tâm huyết nhiệt tình trong công tác xây dựng Đảng, phát huy tốt vai trò của người đứng đầu, là tấm gương để đảng viên phấn đấu noi theo; làm tốt công tác bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ công tác Đảng, kỹ năng lãnh đạo điều hành của đồng chí bí thư chi bộ.
4. Tăng cường phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ; nâng cao trình độ năng lực, sức chiến đấu, tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên.
Tăng cường dân chủ trong sinh hoạt chi bộ, tạo không khí cởi mở thân thiện, gần gủi để đảng viên phát biểu, trao đổi, thể hiện chính kiến, qua đó phát huy dân chủ trong điều hành cuộc họp, tạo điều kiện cho đảng viên nói thẳng, nói thật suy nghĩa của mình. Đảng viên trong năm không tham gia ý kiến tại các buổi sinh hoạt chi bộ, thì cuối năm không được xếp loại đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
5. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề.
Chi ủy và chi bộ chủ động xây dựng kế hoạch lựa chọn chuyên đề ngay từ đầu năm, phân công chuẩn bị kỹ nội dung trước khi tổ chức sinh hoạt chuyên đề. Mỗi quí ít nhất một lần chi bộ lựa chọn những chuyên đề mới, phù hợp chức năng nhiệm vụ của chi bộ để tổ chức sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề. Tổ chức sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề cần phân công những đảng viên am hiểu nội dung, có khả năng thuyết trình để chuẩn bị, trình bày để đảng viên trao đổi, thảo luận.
Các chi bộ không tổ chức sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề từ 2 lần trở lên trong năm thì cuối năm không phân loại hoàn thành tốt nhiệm vụ.
6. Trong sinh hoạt Đảng thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; chi ủy, chi bộ phải chăm lo xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức cán bộ; gắn việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị với nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Xây dựng và thực hiện nghiêm qui chế làm việc của cấp ủy. Trong đó, quy định cụ thể và duy trì nghiêm chế độ sinh hoạt chi ủy, chi bộ định kỳ. Mở rộng dân chủ nhưng phải đảm bảo kỷ luật, kỷ cương.
7. Thực hiện nghiêm việc đánh giá chất lượng buổi sinh hoạt chi bộ theo khung tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ để phát huy những mặt ưu điểm, rút kinh nghiệm những mặt còn hạn chế, thiếu sót, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
8. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nền nếp, nội dung và chất lượng sinh hoạt của các chi bộ; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những chi bộ thực hiện tốt, có cách làm hay, sang tạo, hiệu quả.
Các tổ công tác dự sinh hoạt chi bộ của Đảng ủy Khối thường xuyên dự sinh hoạt chi bộ ở cơ sở, để theo dõi, hướng dẫn và chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, thiếu sót trong sinh hoạt chi bộ.  

                                                                     Ban Tổ chức Đảng ủy Khối

 


([1]) Văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy như: Kết luận số 18-KL/TW, ngày 22/9/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư khóa X về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tình hình mới; Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 31/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục củng cố nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và  chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; Chỉ thị số 32-CT/TU, ngày 22/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ…;

([2]) Chương trình hành động số 18-CTr/ĐUK, ngày 31/5/2022 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; Kế hoạch số 89-KH/ĐUK, ngày 04/01/2023 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

([3]) Công văn số 973-CV/ĐUK, ngày 13/6/2023 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối về việc quán triệt, triển khai thực hiện mô hình “chi bộ bốn tốt”, đảng bộ cơ sở bốn tốt”; Hướng dẫn số 11-HD/ĐUK, ngày 6/11/2023 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối hướng dẫn một số nội dung về xây dựng mô hình “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt”.  

([4]) Trong năm 2023, các Tổ công tác của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã dự sinh hoạt hơn 100 chi bộ

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết gì về Đảng ủy Khối cơ quan, doanh nghiệp ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập58
  • Hôm nay8,400
  • Tháng hiện tại180,143
  • Tổng lượt truy cập1,073,033
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây